Chồng vay tiền cờ bạc, vợ có phải chịu trách nhiệm?

Đánh bạc là một tệ nạn xã hội đã cướp đi hạnh phúc của rất nhiều gia đình. Nặng nề hơn, khi hết tiền, người nghiện bài bạc có khuynh hướng vay nặng lãi để tiếp tục chơi. Vậy nếu chồng vay tiền đánh bạc, chủ nợ đến đòi, vợ có phải chịu trách nhiệm về khoản vay này không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn.

1. Nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của vợ chồng

1.1. Nghĩa vụ chung của vợ chồng

Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, bao gồm:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập. Ví dụ: Hai vợ chồng cùng ký tên trên Hợp đồng vay;

 – Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ: Cha mẹ cùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chưa đủ 15 tuổi gây ra);

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Ví dụ: Chồng đi vay tiền về cho con đi học;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Ví dụ: Vợ chồng xây dựng căn nhà trái phép, bị nhà nước xử phạt vi phạm hành chính;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Ví dụ: Chồng thuê xe để chạy chở hàng kiếm thu nhập trang trải cho gia đình. Người vợ cũng phải cùng có trách nhiệm trả tiền thuê xe;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, bạn phải có trách nhiệm cùng vợ/chồng mình thực hiện nghĩa vụ.

1.2. Nghĩa vụ riêng của vợ chồng

Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định các nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ/chồng bao gồm:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn. Ví dụ: Trước khi đăng ký kết hôn, chồng có vay một người bạn một khoản tiền;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình. Ví dụ: Chồng tự ý vay tiền bạn cho một người khác vay để làm ăn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng. Ví dụ: Chồng trộm cắp xe máy rồi bán lấy tiền tiêu xài. Nay phát sinh nghĩa vụ bồi thường chiếc xe cho Người bị hại.

Nếu là nợ riêng (thuộc một trong các trường hợp trên) thì bạn được loại trừ trách nhiệm cùng vợ/chồng mình trả nợ khi ly hôn.

2. Chồng vay tiền cờ bạc, vợ có phải chịu trách nhiệm?

Thông thường, chồng vay tiền cờ bạc sẽ không được vợ đồng ý. Giao dịch này do người chồng tự mình thực hiện, không vì nhu cầu của gia đình. Hơn nữa, cờ bạc là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, trách nhiệm hoàn trả khoản tiền vay trên thuộc về chồng.

Nhiều người lợi dụng tình trạng nghiện đánh bạc để cho vay nặng lãi. Mức lãi suất cho vay có thể lên đến vài chục %/tháng. Người cho vay chỉ giao dịch với chồng, không giao dịch với vợ. Người cho vay cũng biết mục đích vay là để đánh bạc, không phục vụ nhu cầu gia đình. Do đó, pháp luật không bảo vệ người cho vay trong những trường hợp này.

3. Bị chủ nợ đe dọa, uy hiếp, phải làm sao?

Vợ chồng cần nói chuyện thẳng thắn. Có thể nhờ địa phương và họ hàng, gia đình hỗ trợ. Thời gian dài mà người chồng không thay đổi, người vợ nên cân nhắc ly hôn sau khi suy nghĩ kỹ các vấn đề khác liên quan.

Đối với chủ nợ, nên:

– Trình báo, tố giác khi chủ nợ có các hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích, đe dọa giết người, hủy hoại tài sản, giữ người trái pháp luật. Dấu hiệu là chủ nợ đến nhà hoặc thuê người đến nhà tạt sơn/tạt mắm tôm, chửi bới, đòi nợ, trực tiếp hoặc nhắn tin, gọi điện đe dọa, liên hệ đến nơi làm việc của người thân,…;

– Khi bị chủ nợ ép viết/ký các giấy nợ hay bất kỳ giấy tờ nào khác, bạn nên thận trọng, kẻo bị ràng buộc trách nhiệm trả nợ;

– Nếu thấy không an toàn, bạn và các con có thể tạm thời đến ở nhờ nhà người thân, nhanh chóng trình báo chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ;

– Lắp đặt camera an ninh để quan sát, theo dõi;

– Học tập và rèn luyện các kỹ năng tự vệ: Không đi lại sáng sớm hoặc đêm khuya, lúc vắng người, luôn quan sát, cẩn trọng có người theo dõi;

– Lưu thông tin số điện thoại của công an khu vực để tiện liên hệ trong trường hợp khẩn cấp;

– Trao đổi, chia sẻ với hàng xóm xung quanh để có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết;

– Giữ khoảng cách nhất định, không nên có những lời nói kích động, thách thức chủ nợ.

LIÊN HỆ DỊCH VỤ LUẬT SƯ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH TẠI ĐỒNG NAI

Địa chỉ: 1034/H1 Nguyễn Ái Quốc, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Leave Comments

Scroll
0945013268
0945013268