Nhiều gia đình, vợ chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Chồng là người kiếm tiền và tự quyết định mọi vấn đề làm ăn kinh tế. Chồng cũng trực tiếp đứng tên trên nhiều tài sản có giá trị như nhà ở, quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng,…Vậy nếu ly hôn, vợ có được hưởng quyền lợi gì từ những tài sản trên? Cách Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn như thế nào?
1. Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn
Việc phân chia tài sản khi ly hôn dựa trên những nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
– Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến:
+ Hoàn cảnh của vợ/chồng;
+ Công sức đóng góp trong việc hình thành, phát triển tài sản. Lao động trong gia đình cũng được xem là lao động có thu nhập (người ở nhà nội trợ cũng được xem là lao động có thu nhập);
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, tạo điều kiện cho mỗi bên tiếp tục lao động có thu nhập.
Ví dụ: Chồng đang lái xe tải chở hàng thuê. Khi ly hôn, Tòa án sẽ xem xét sẽ giao cho chồng tiếp tục quản lý, sử dụng chiếc xe đó.
+ Lỗi của mỗi bên trong việc dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Khi chồng ngoại tình dẫn đến vợ yêu cầu ly hôn thì vợ được ưu tiên hơn khi chia tài sản.
– Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị (bằng tiền); bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
– Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
– Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Tài sản đứng tên một bên vợ/chồng là tài sản chung hay tài sản riêng?
Để xác định được tài sản đứng tên một bên vợ/chồng là tài sản chung hay tài sản riêng, cần làm rõ:
– Tài sản đó có trước hay sau khi đăng ký kết hôn.
+ Nếu có trước khi đăng ký kết hôn mà sau khi đăng ký, người chồng không tự nguyện nhập tài sản đó vào khối tài sản chung thì được xác định là tài sản riêng.
+ Còn sau khi đăng ký kết hôn, người chồng đồng ý nhập tài sản đó vào khối tài sản chung thì xác định là tài sản chung.
– Tài sản đó được tặng cho/nhận thừa kế chung hay riêng? Nếu chồng được tặng cho/nhận thừa kế riêng thì là tài sản riêng.
– Tài sản đó có phải là hoa lợi (ví dụ như hoa màu, trái cây, động vật được sinh sản), lợi tức (ví dụ như tiền lãi cho vay, tiền lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu,…) không? Nếu là hoa lợi, lợi tức thì cho dù tài sản gốc là tài sản riêng của chồng nhưng hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung;
– Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có phân chia tài sản chung không? Nếu thỏa thuận phân chia là hợp pháp, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì tài sản được phân chia là tài sản riêng của vợ, chồng.
Như vậy, nếu chỉ dựa vào việc ai đứng tên trên tài sản, chưa khẳng định được đó là tài sản chung hay tài sản riêng mà còn phải xem xét các nguyên tắc trên.
3. Tài sản đứng tên một bên, khi ly hôn, người còn lại có được chia không?
Khi ly hôn, Tòa án sẽ xem xét tài sản bạn yêu cầu chia là tài sản chung hay tài sản riêng.
– Nếu là tài sản chung: Bạn sẽ được hưởng một phần (thông thường là ½);
– Nếu là tài sản riêng của một bên: Bạn sẽ không được chia (trừ khi bạn có công sức đóng góp, phát triển khối tài sản đó thì bạn cũng được nhận một phần tương ứng giá trị đóng góp).
Xem thêm bài viết: Xây nhà trên đất bố mẹ chồng cho, khi ly hôn có được chia?
Nếu có nhu cầu tìm Luật sư tư vấn/đồng hành cùng bạn để yêu cầu Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn, mời bạn liên hệ:
Địa chỉ: 1034/H1 Nguyễn Ái Quốc, TP. Biên Hòa, Đồng Nai